Thân thế, sự nghiệp của ông Ngô Linh Ngọc, một nhà văn hoá “Cầm - Kỳ - Thi tuyệt”

PGS. TS. Lưu Đức Hải
UVBCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm

Kỳ thủ Ngô Linh Ngọc (tức Ngô Văn Ích, tức Kỳ Hữu) sinh ngày 28/5/1922, quê quán thôn Khả Do, xã Nam Viêm, huyện Mê Linh (Kim Anh cũ), tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Ông là thành viên của nhóm cờ Tướng Thuyền Quang khi mới 14 tuổi.

Thuyền Quang (còn gọi là Thiền Quang) là tên một trong ba làng phía Nam ở thủ đô Hà Nội: Thuyền Quang, Thể Giao và Vân Hồ, nối với nhau qua những chiếc cầu nhỏ bắc qua hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Ngày 30/11/1936 nhóm cờ Tướng Thuyền Quang, còn gọi là Hội cờ Thuyền Quang ra đời.

bv nln 1Hình 1: Danh thủ Lê Uy Vệ, trưởng nhóm Thuyền Quang (17/3/1917-3/2/2011, ảnh trái) và Công viên Thống Nhất, Hà Nội, từng là làng Thuyền Quang, có trụ sở của nhóm Thuyền Quang thời kỳ 1936-1958 (Ảnh: Tác giả, 2013).

Chủ tịch hội là Lê Uy Vệ (Hình 1), 19 tuổi, sau này trở thành quán quân kỳ bàn Bắc Kỳ trong 4 năm liền (1939-1942). Các hội viên đều là công nhân, viên chức, học sinh, đó là: Lê Uy Vệ (hội trưởng), Ngô Linh Ngọc, Trần Trung Dưỡng, Lê Duy Hữu, Nguyễn Nhật Hùng, Nguyễn Huy Tỵ, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Phú Thân (sau này tách ra là thủ lĩnh nhóm Tân Kỳ), Nguyễn Tấn Thọ (sau này tách ra là thành viên nhóm Ngũ Tốt), Thích Phát Lâm (sư ông ở chùa Pháp Vân), Đặng Văn Cong (con ông Đội Công) (Hình 2)…

Sau khi thành lập, hội thực hiện ngay một chương trình luyện tập hết sức mới mẻ và chặt chẽ. Ba tháng một lần có một giải nội bộ thi đấu về từng yêu cầu cụ thể, các giải chuyên như các giải khai cục: đương đầu Pháo đối bình phong Mã, thuận Pháo, nghịch Pháo, tiến tam Binh…, trong đó có đòn thuận Pháo của nhóm Thuyền Quang là nổi tiếng trong làng cờ Tướng thời bấy giờ (Nguyễn Tấn Thọ, 2013). Là người giỏi chữ Hán - Nôm, kỳ thủ Ngô Linh Ngọc đã đảm nhận trọng trách dịch nhiều tài liệu cờ Tướng sang chữ quốc ngữ cho Nhóm Thuyền Quang.

bv nln 2Hình 2: Các thành viên nhóm Thuyền Quang: Danh thủ Đặng Văn Cong (tức Công, 1922-16/3/1993, ảnh trái), Ngô Linh Ngọc (28/5/1922-1/3/2004, ảnh giữa), Trần Trung Dưỡng (1912-14/5/2001, ảnh phải) (Ảnh: Tác giả, 2013).

Những buổi trao đổi về trung tàn cục thường xuyên được tổ chức, có ghi chép đầy đủ cộng với các tập kỷ yếu ghi các trận đấu chuyên đề, các tập nghiên cứu tàn cục của hội trong khoảng 10 năm (1936-1946) đã trở thành một tài sản quý cho các hội viên của hội. Song đáng tiếc là sau cuộc tiêu thổ kháng chiến phần lớn các tài liệu này đã bị thất lạc.

bv nln 3Hình 3: Hội cờ Thuyền Quang (Hà Nội), từ phải qua trái là các danh thủ: Lê Uy Vệ, hội trưởng (bên phải) Trần Trung Dưỡng (ở giữa) và Ngô Linh Ngọc tức Kỳ Hữu (bên trái) và số nhà 98 phố Bạch Mai, một trong những địa điểm sinh hoạt của nhóm Thuyền Quang (ảnh phải) (Ảnh: Tác giả, 2013).

Từ năm 1954, sau 9 năm kháng chiến, Hội cờ Thuyền Quang hoạt động trở lại. Đều đặn hàng năm, hội họp kỷ niệm ngày thành lập. Các hội viên chia nhau đi gây dựng phong trào ở các huyện Từ Liêm, ở làng Khương Hạ và ở nhà máy Rượu, ở phường Bùi Thị Xuân… góp phần vận động phong trào cờ của miền Bắc. Lê Uy Vệ, Ngô Linh Ngọc (tức Kỳ Hữu), Nguyễn Tấn Thọ đã biên soạn bộ sách “Cờ Tướng - Những vấn đề cơ bản” gồm 3 tập dùng cho người mới học chơi cờ. Sau này Lê Uy vệ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, còn Ngô Linh Ngọc và Nguyễn Tấn Thọ đều là ủy viên Phân hội cờ Tướng Việt Nam.
Ngoài việc tham gia hoạt động trong lĩnh vực cờ Tướng, ông còn là nhà thơ, nhà báo, dịch giả Hán - Nôm. Ông công tác ở nhiều cơ quan khác nhau như: Biên tập viên Báo Quân du kích, Báo Quân Việt Bắc, phóng viên Báo Tổ Quốc…

Song ít người trong làng cờ Việt Nam được biết rằng ông còn là thành viên “có hạng” trong ban nhạc hát Ca trù hồi thập niên 80-90 của thế kỷ 20 với vai trò người chơi “Trống chầu” (Hình 4). Ông còn là đồng tác giả của “Tuyển tập thơ Ca trù” (Ngô Linh Ngọc - Ngô Văn Phú, Văn học, Hà Nội, 1987).

bv nln 4
Hình 4: Ngô Linh Ngọc (bên phải) giữ Trống chầu trong ban nhạc hát Ca trù (Ảnh: Tác giả sưu tầm).

Ông còn là dịch giả từ chữ Hán - Nôm sang chữ quốc ngữ 2 bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông (1422-1497) về cờ Tướng.

Hai bài thơ của vua Lê Thánh Tông về cờ Tướng (Dịch giả Ngô Linh Ngọc)
CỜ TƯỚNG (BÀI 1)
Trại địch ken đầy, dọa nuốt tươi,
Bàn cờ lo tính mãi khôn nguôi!
Công danh dẫu chẳng đầy tay nắm,
Thua được thường luôn trước mắt coi.
Ngoài dóng ngựa, xe, ngừa đuổi giặc,
Trong giàn sĩ, tượng, giữ yên ngôi.
Muốn quên gươm giáo nhưng còn ngại
Lệch chuộng đường “văn”, việc “võ” lơi!
CỜ TƯỚNG (BÀI 2)
Trên bàn cờ gỗ trận bầy xong,
Sĩ tượng quây tròn giữ “cửu cung”;
Cặp ngựa bay nghiêng, quen ngả tiến,
Đôi xe lặng tiếng, thẳng đường dong
Âm lăng, Sở Bá nguy khôn đọ,
Xích Bích, Chu Lang thế rõ hùng;
Tan trận, sông dài xe, pháo hết,
Trơ bầy Tốt hỉn múa lông nhông!


Qua bao năm tháng, các hội viên của nhóm cờ Tướng Thuyền Quang lần lượt giã từ làng cờ Tướng Việt Nam bởi tuổi cao, sức yếu (Trần Trung Dưỡng mất ngày 14/5/2001, Nguyễn Nhật Hùng mất ngày 10/6/2002, Ngô Linh Ngọc mất ngày 1/3/2004, Lê Uy Vệ mất ngày 3/2/2011…), sau khi đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cờ Tướng thủ đô và quốc gia. Làng cờ Việt Nam trân trọng ghi nhận sự đóng góp to lớn của Hội cờ Thuyền Quang, đặc biệt là nhà văn hoá “Cầm - Kỳ - Thi tuyệt” Ngô Linh Ngọc (Kỳ Hữu) đối với sự phát triển văn hoá - thể thao - cờ Tướng của nước nhà.

bv nln 5Hình 5: Anh Ngô Quang Nam (bên phải), con trai của cố kỳ thủ Ngô Linh Ngọc tại buổi vinh danh ông ở Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 25 (3/9/2017).

Để tưởng nhớ đến nhà văn hoá “CẦM - KỲ - THI tuyệt” Ngô Linh Ngọc (tức Kỳ Hữu), Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 25 (sáng Chủ nhật 3/9/2017) đã tổ chức giới thiệu về ông và gửi đến gia đình ông bài thơ sau đây để tri ân về những đóng góp của ông với lĩnh vực Ca trù (Cầm), Cờ Tướng (Kỳ), Văn thơ (Thi) với nền văn hoá, thể thao nước nhà:

NHỚ KỲ HỮU
Kỳ Hữu ra đi, vắng Hội cờ
Rời Thi đàn, để lại túi thơ
Trống chầu lặng tiếng, Ca Trù lắng
Kỳ hữu Hồ Gươm nhớ người xưa!

Lưu Đức Hải
2/9/2017