Kể chuyện cờ tướng P8: Khô Mộc Thiền Sư

 Mang danh một nhân vật lừng lẫy võ lâm giang hồ : "Khô Mộc Thiền Sư", nhưng Dương Thanh Danh  lại nhỏ nhắn, hiền lành ít nói.Ông như một gốc cây cổ thụ già lặng lẽ tỏa bóng mát che chở cho các mầm non năng khiếu cờ Tướng TPHCM đâm chồi nảy lộc....

alt
Vượt lên số phận, tạo dựng nghiệp cờ

Khoảng hơn ba chục năm trước, giới giang hồ cờ độ Sài Gòn bắt đầu chú ý đến một "thằng nhỏ" đánh cờ tuyệt hay, tính toán cực kỳ thông minh, sắc nét. "Thằng nhỏ" còn hay đi chung với thiên tài "Lác chảy" Trần Quới nên càng được chú ý nhiều hơn. Nhưng khác với kỳ vương Trần Quới - chuyên đánh độ, cờ bạc - "thằng nhỏ" kia đi xem đánh cờ, chơi cờ chỉ để học hỏi kinh nghiệm. "Thằng nhỏ" đó chính là Dương Thanh Danh. Rồi đường đời rẽ đôi hai ngả: Trần Quới cùng một nhóm bạn cờ bỏ quê hương ra đi và mất tích từ năm 1988. Còn Dương Thanh Danh thì lặng lẽ với đời, mải mê với sự nghiệp cờ,  kể cả đến khi làng cờ phong tặng cho ông danh hiệu Khô Mộc Thiền Sư lẫy lừng thiên hạ thì ông vẫn thế...

Dương Thanh Danh kể mình bị bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó, không thuốc gì chữa được. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi nhiều tài hoa của của làng cờ Sài Gòn khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Đậu xong tú tài, bệnh phổi nổi lên nặng, ông phải bỏ học ngang. Vừa lo chữa bệnh , vừa phải mưu sinh bằng những việc nhẹ, chỉ lúc rảnh rỗi ông mới đến được với cờ. Nhờ tập thái cực quyền với quyết tâm bền bỉ, ông qua được cơn hiểm nghèo. Và cũng chính nhờ đức tính thật thà, không thích cờ bạc mà Dương Thanh Danh thoát khỏi cái bẫy của nghiệp cờ luôn giăng ra với các kỳ thủ : vì đánh độ nhiều, ăn uống thất thường, lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhiều kỳ thủ mắc bệnh lao phổi đã phải chết sớm hơn người thường.

Hỏi thật Dương Thanh Danh, đến giờ có nợ nần, bài bạc gì không, ông nhỏ nhẹ: "Mình tiêu xài cũng ít, chưa hề nợ nần gì ai". Ông cũng chẳng hút thuốc hay bia rượu. Nói về đánh cờ độ, thấy ông cũng không hứng thú: "Ngày xưa, cũng có thời gian vài năm đánh độ nhưng do hoàn cảnh. Đánh để học hỏi, cũng bị nhiều người kêu chơi giùm, họ hùn tiền vô cho mình đánh. Quan trọng là mình không thích cờ bạc nên từ hồi đó đến giờ không đánh độ nữa". Tóm tắt về con người Khô Mộc Thiền Sư, theo lão danh thủ Phạm Tấn Hòa là: " Anh Danh có nhân cách đáng kính, biết vượt lên số phận".
 

Người đi ươm mầm năng khiếu

"Từ 19, 20 tuổi trở đi, người mình lúc nào cũng chỉ được 36, 37 ký. Đi đánh giải, ngồi lâu chịu không được vì đau đầu. Cũng bị thua nhiều ván vì lý do sức khỏe" - ông Danh tâm sự. Mãi cho đến bây giờ, ông mới mập, rắn chắc hơn. Ông kể: "Mình mới mập lên sau này , giờ chắc cũng được hơn 45 ký, cũng nhờ bền bỉ tập luyện thái cực quyền, tháng ăn chay 4 ngày, ngày nào cũng đi dạy học ". Bước lại xe lấy bộ cờ trong túi xách trước giỏ xe, Khô Mộc Thiền Sư nói vừa mới đi đến trường dạy cờ cho một học sinh. Từ vài năm nay , Dương Thanh Danh được chuyển từ HLV Q5 lên đội tuyển TPHCM . Ông phụ trách đào tạo cho lớp năng khiếu gồm các em học sinh các lứa tuổi từ U9 đến U18 . Nhắc đến học sinh, thấy ông vui lắm: "Nhiều em còn nhỏ, chỉ 7-8 tuổi đã có năng khiếu. Các em gọi mình bằng thầy".

Hàng ngày , Khô Mộc Thiền Sư lại đều đặn lên lớp , chỉ dẫn cho các em ở đội cờ năng khiếu TPHCM. Có những bữa, các em kẹt học văn hóa không tập trung được, thầy Danh lại đến từng trường, dạy từng em một như bữa hôm nay. "Mình gặp các em là vui. Các em phải học văn hóa nhiều, cũng thông cảm . Nên mình chỉ dạy tại lớp, không ra bài về nhà". Nói chuyện về các học sinh thông minh hiếu động, chẳng nghe thầy Danh phàn nàn một tiếng, chỉ thấy khen: "Mình dạy các em khai cuộc, tàn cuộc, sửa cho các em các lỗi căn bản, hay gặp. Mong các em tiến bộ, sau này thi đấu giành giải".

Cứ mải miết lặng lẽ như thế , vậy mà nhiều tài năng năng khiếu của Sài Gòn đã xuất thân từ lò Dương Thanh Danh . Liên tiếp nhiều năm nay , TPHCM thống trị giải quốc gia ở các lứa tuổi trẻ nhờ từ những đóng góp của các em. Các phụ huynh biết tiếng đã đưa con đến tận nhà gửi gắm cho Khô Mộc Thiền Sư. Từ đó lớp cờ tướng năng khiếu ông đang dạy tại nhà được duy trì đều đặn dù ông không lấy học phí .Dương Thanh Danh tâm sự: "Mình ngòai 60 tuổi rồi , cuối đời không có niềm vui gì hơn dạy các em học. Những em nghèo mình đều dạy miễn phí , những em khác thì phụ huynh ép quá mình mới lấy...". Ông kể tiếp : " Mỗi lần 20/11 hay lễ tết vui lắm , phụ huynh đến nhà gửi tặng mình quà và thiệp chúc mừng". Hỏi quà gì , ông nói: "Người thì ký lạp xưởng, người thì thùng nước ngọt hay hộp bánh..."

Chia tay nhau giữa trưa hè Sài Gòn , thầy Danh lại vội vã đến lớp . Một người vì bệnh, phải bỏ học ngang, chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm nhưng giờ được người đời tôn trọng gọi bằng thầy. Một kỳ thủ danh tiếng lừng lẫy nhưng cuối đời sống giản dị, trong sạch, chỉ mình ta với cờ, với các em học sinh. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của thầy bước đi liêu xiêu giữa trời nắng gay gắt , lòng bỗng thấy mát rượi như gặp một gốc cây cổ thụ già xum xuê , đang uy nghi tỏa bóng mát cho học trò.