Giải Quốc gia môn cờ Vua không còn tính Elo

Thế là sau 20 năm duy trì việc tính rating (Elo) quốc tế ở nội dung cờ tiêu chuẩn thì giải vô địch cờ vua toàn quốc năm nay đang diễn ra ở Bắc Giang đã không còn tính Elo cho các kỳ thủ.

Sự thay đổi lớn này có làm cho giải hấp dẫn hơn hay không thì cần có thời gian để kiểm chứng nhưng trước mắt giải cờ vua tính Elo ở Việt Nam đã ít lại càng ít hơn.

Đã có nhiều bài báo nói về sự thua thiệt của các kỳ thủ Việt Nam khi họ có rất ít sân chơi để tích lũy Elo. Điểm qua những giải trong nước có tính Elo trong năm 2019 thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay: giải ở trình độ cao do Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức chỉ có HDBank (tháng 3); còn lại là các giải ở cấp phong trào do các câu lạc bộ địa phương tổ chức gồm Hanoi Open (tháng 2), 9th Royal Rated Chess (HCM, tháng 5), 3rd Ha Noi Fide Rating Chess Tournament (tháng 6).

Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) xếp hạng trình độ cờ vua các nước dựa trên Elo trung bình của 10 kỳ thủ hàng đầu. Thực lực hiện tại của cờ vua Việt Nam dường như không phản ánh đúng thứ hạng trên. Dù chỉ quanh quẩn trong top 30 đến 40 thế giới nhưng đội tuyển cờ vua Việt Nam đã có 3 lần vào top giải cờ vua đồng đội thế giới (Olympiad) trong 11 năm qua (2008, 2012, 2018).

Trong giải HDBank vừa qua, ở bảng Master lẫn Challenger có nhiều trường hợp kỳ thủ Việt Nam kém xa kỳ thủ ngoại quốc về đẳng cấp lẫn hệ số Elo nhưng các kỳ thủ Việt Nam vẫn giành chiến thắng. Điều đó cho thấy là thực lực chúng ta có nhưng vì quá ít giải đấu tính Elo nên hệ số này đã không cải thiện được nhiều.

Quay lại với giải vô địch Quốc gia, ý muốn bỏ tính Elo để thu hút những kỳ thủ mạnh như Trường Sơn, Thảo Nguyên, Quang Liêm tham dự…cũng là ý tốt. Vì có ý kiến cho rằng những kỳ thủ mạnh sợ bị tụt Elo nên không muốn tham dự các giải Quốc gia. Thế nhưng việc này lại có những khía cạnh thiếu tích cực.

Trước mắt có thể nhận thấy rằng dù vẫn đang lưu trú tại Bắc Giang nhưng Trường Sơn vẫn không tham dự nội dung cờ tiêu chuẩn của giải năm nay, trong khi Quang Liêm thì vẫn đang ở Mỹ, như vậy ý định bỏ tính Elo để thu hút vận động viên cấp cao dường như không đúng.

Khi không còn tính Elo, các kỳ thủ sẽ ít trách nhiệm với từng ván đấu vì lỡ có thua hay hòa thì cũng không mất Elo nào, dẫn đến chất lượng chuyên môn của một ván đấu có thể sẽ giảm. Ngoài ra, vì sự toan tính thành tích cá nhân – đồng đội nên chuyện dàn xếp tỉ số (nếu có) giữa hai kỳ thủ cùng hoặc khác đơn vị có khả năng xảy ra nhiều hơn.

Về quan điểm người viết, thiết nghĩ nên duy trì việc tính Elo ở giải Quốc gia vì vốn dĩ ở Việt Nam số lượng giải tính Elo quá ít. Mà đây đang là vấn đề quan trọng cần phải làm ngay nếu muốn phát triển bộ môn cờ vua Việt Nam. Bởi vì trong làng cờ vua thế giới, hệ số Elo là thước đo trình độ, mặt bằng của cả một nền cờ vua.

Văn Tới